Chúng ta nên dừng việc dịch thuật ngữ tiếng Anh sang tiếng Việt vì một nền giáo dục tốt hơn
Việc dịch thuật ngữ tiếng Anh sang tiếng Việt vừa tốn công, vừa không hiệu quả và tệ hơn hết là còn gây hiểu nhầm ý nghĩa của thuật ngữ. Về lâu về dài sẽ dẫn đến thua thiệt khi nói chuyện với người nước ngoài.
Việc dịch một thuật ngữ tiếng Anh sang thuật ngữ tiếng Việt, mà hầu hết là từ Hán Việt, không giúp chúng ta hiểu được vấn đề. Đơn cử như các thuật ngữ sau không giúp cho việc học lập trình dễ hiểu hơn tí nào: Tham chiếu, tham trị, hàm, khuôn mẫu hàm, ...
Tự hỏi bản thân bạn có biết từ "hàm" trước khi bạn học lập trình không? Lúc mới học lập trình thì Đạt chỉ hiểu chữ "hàm" trong hàm răng mà thôi. Thế nên chữ "hàm" và chữ "function" không khác biệt gì với nhau. Đối với người học lập trình nói tiếng Việt, họ cũng phải học nghĩa chữ "hàm" bằng cách xem ví dụ như thế nào là "hàm". Chứ làm sao có chuyện khi dùng chữ "hàm" họ hiểu ngay, à đấy là một đoạn code dùng để thực thi một công việc cụ thể, có thể nhận vào cái gì đấy và trả ra cái gì đấy? Tuy nhiên, và may mắn, là "hàm" trở nên quá thông dụng, nên khi nói tới hàm ai ai cũng biết nó là cái gì trong cộng đồng lập trình người Việt.
Nhưng một điều đáng buồn là sau khi tốt nghiệp ĐH, Đạt vẫn không biết routines
có nghĩa là hàm.
Tại sao học thuật ngữ tiếng Việt sẽ bị thua thiệt? Đạt kể một câu chuyện có thật của mình về vấn đề thua thiệt khi nói chuyện với người nước ngoài. Trong tháng đầu tiên đi làm ở công ty Aricent VN, Đạt được tham gia một buổi training do một nhân viên người Ấn Độ, tên Gurtej, dạy. Trong quá trình training, Gurtej có đặt nhiều câu hỏi cơ bản, nhưng hầu như mọi người không trả lời được. Không phải vì các câu hỏi quá khó, mà bởi vì mọi người trong phòng không hiểu câu hỏi là gì khi Gurtej sử dụng các thuật ngữ tiếng Anh.
Gần cuối buổi Gurtej mới nói: "What did you learn at University? You learned nothing. How could you work for us?"
Lúc đó Đạt rất bực mình, "đập bàn", và nói: "We have learned all these things, the only problem is that we learned them in Vietnamese and therefore we don't understand the English terms."
Và để làm bằng chứng, Đạt đã nói Đạt sẽ gửi một chương trình để chứng minh rằng Đạt hiểu hết tất cả các khái niệm đó sau giờ làm. Việc gửi chương trình này đã chứng minh được kiến thức mình học, nhưng nếu Đạt không chứng minh và không học lại các thuật ngữ tiếng Anh thì sẽ không bao giờ làm việc được với Gurtej. Sau này Đạt làm việc rất ổn với hầu hết người Ấn Độ trong công ty, đặc biệt là Gurtej.
Tệ hơn hết là còn gây hiểu nhầm ý nghĩa của thuật ngữ. Tại sao không dùng từ prototype
thay cho "khuôn mẫu hàm", trong khi trong lập trình prototype còn dùng cho class? Nếu dùng từ khuôn mẫu hàm thì người học sẽ hiểu nhầm rằng prototype chỉ dùng cho hàm.
Mở rộng vấn đề, có lẽ việc dịch sang tiếng Việt đã là một vấn nạn từ xưa đến nay do nền giáo dục của ta bị ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc. Thay vì gọi America hay US ta gọi là Mỹ hay Hoa Kỳ. Thay vì gọi Washington, nhiều người thế hệ trước vẫn dùng từ Hoa Thỉnh Đốn.
Đạt luôn vấp phải khó khăn khi nói chuyện bằng tiếng Anh khi phải dịch tên các nước sang tiếng Anh. Tại sao mình phải nhớ hai cái tên một tiếng Anh, một tiếng Việt cho một quốc gia? Ví dụ như Tây Ban Nha - Spain hay Bồ Đào Nha - Portugal, Phần Lan - Finland, Ba Lan - Poland? Nhưng may mắn là ta ít nhất cũng không còn ai dịch sang tiếng Việt các quốc gia mà người Việt mới biết gần đây như Iran, Iraq hay Brazil.
Có bao nhiêu nước bạn biết tên tiếng Việt nhưng không biết tên tiếng Anh?